Quy trình thử nghiệm các đồng hồ khí công nghiệp (các chất đốt dạng khí hoặc các khí đơn pha khác) là thiết bị có nhiệm vụ điều chỉnh áp suất đường ống. Sao cho luôn giữ mức áp suất tại đầu ra thấp hơn tại đầu vào. Loại thiết bị này có cấp chính xác đến 0,5. Vậy quy trình thử nghiệm đồng hồ khí công nghiệp được thực hiện như thế nào? Hãy cùng ISOCAL tìm hiểu về quy trình này trong bài viết nhé!!
Giải thích các thuật ngữ chuyên ngành
Những từ ngữ chuyên ngành trong bài viết này của isocal được giải thích như sau:
– Đồng hồ khí công nghiệp không bao gồm đồng hồ đo khí dân dụng kiểu màng được gọi tắt là đồng hồ khí ĐHK. Đây là một thiết bị đo dùng để đo, lưu trữ và hiển thị lượng khí chảy qua cảm biến lưu lượng.
– Phạm vi làm việc của ĐHK đo thể tích khí là phạm vi lưu lượng khí được giới hạn bởi lưu lượng lớn nhất (Qmax) và lưu lượng nhỏ nhất (Qmin).
– mpe có tên đầy đủ là maximum permissible error. Đây là sai số cho phép lớn nhất.
– Chuẩn lưu lượng thể tích khí là thiết bị hoặc hệ thống thiết bị cho phép xác định được thể tích của khí chảy qua quy về điều kiện cơ sở của chất khí với độ không đảm bảo đo xác định dùng để kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo.
– Chuẩn lưu lượng khối lượng khí là thiết bị hoặc hệ thống thiết bị cho phép xác định được khối lượng của khí chảy qua với độ không đảm bảo đo xác định dùng để kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo.
– Lưu lượng là tỷ số giữa thể tích của lượng chất khí chảy qua ĐHK. Đồng thời cũng là thời gian chảy của lượng chất khí đó.
– Các điều kiện đo là các điều kiện của khí, thể tích đo được tại thời điểm đo. Ví dụ: nhiệt độ và áp suất của khí được đo.
– Điều kiện cơ sở là điều kiện mà thể tích khí được đo được chuyển đổi sang. Ví dụ: nhiệt độ cơ sở và áp suất cơ sở.
– Điều kiện tiêu chuẩn là các điều kiện của khí, thể tích đo được tại nhiệt độ 273,15 K và áp suất 101,325 kPa.
Ghi chú: Điều kiện đo và điều kiện cơ sở chỉ liên quan đến thể tích được đo. Hoặc được chỉ thị và không được nhầm lẫn với “điều kiện vận hành quy định” và “điều kiện chuẩn” mà xem như những đại lượng ảnh hưởng.
– Cơ cấu chuyển đổi là cơ cấu chuyển đổi thể tích khí đo được tại điều kiện đo sang thể tích tại điều kiện cơ sở.
Ghi chú: Loại chuyển đổi có thể là:
+ Chỉ chuyển đổi nhiệt độ
+ Chuyển đổi nhiệt độ và áp suất
+ Chuyển đổi nhiệt độ và áp suất theo số hiệu chính đối với các sai lệch từ định luật khí thực.
– Áp suất làm việc là áp suất của khí được đo tại đầu vào ĐHK.
– Tổn thất áp là độ chênh giữa áp suất tại đầu vào và đầu ra của ĐHK khi có dòng khí chuyển dịch qua.
– ĐHK điện tử là ĐHK được trang bị cơ cấu điện tử.
– Cơ cấu điện tử là cơ cấu sử dụng các linh kiện điện tử. Chứng thực hiện một chức năng riêng. Các cơ cấu điện tử thường được sản xuất theo các bộ phận riêng lẻ. Các cơ cấu thường có khả năng kiểm tra một cách độc lập.
– Sai số trung bình có trọng số là sai số có tính đến tầm quan trọng (trọng lượng) của từng sai số ở các điểm đo khác nhau.
Các từ viết tắt
– EUT có tên đầy đủ là Equipment Under Test. Đây là thiết bị được thử nghiệm
– VCP có tên đầy đủ là Vertical Coupling Plane. Đây là mặt ghép thẳng đứng.
– HCP có tên đầy đủ là Horizontal Coupling Plane. Đây là mặt ghép nằm ngang.
– TEM có tên đầy đủ là Transverse Electomagnetic. Đây là điện từ trường ngang.
– CCX là cấp chính xác.
– RES là giá trị độ chia nhỏ nhất.
Các phương tiện thử nghiệm đồng hồ khí công nghiệp
Phương tiện thử nghiệm | Kỹ thuật đo lường cơ bản |
Chuẩn đo lường | |
Chuẩn lưu lượng khí | – Phạm vi đo: phù hợp với lưu lượng hoạt động của thiết bị – Chỉ thị: Phải chỉ thị được thể tích đi qua chuẩn tại điều kiện tiêu chuẩn. – u ≤ 1/5 mpe của thiết bị được thử nghiệm |
Phương tiện khác | |
Thiết bị đo chênh áp | – Phạm vi đo: phù hợp với phạm vi hoạt động của thiết bị – Độ chính xác 0,1 % giá trị đọc. |
Thiết bị đo áp suất | – Phạm vi đo: phù hợp với phạm vi hoạt động của thiết bị – Độ chính xác 0,1 % giá trị đọc. |
Lưu lượng kế đo khí (có thể tích hợp trong chuẩn lưu lượng khí) | – Phạm vi đo: phù hợp với lưu lượng hoạt động của thiết bị – Độ chính xác 2,5 % giá trị đọc. |
Thiết bị đo nhiệt | – Phạm vi đo: phù hợp với phạm vi hoạt động của thiết bị – Độ phân giải 0,01 °C. |
Thiết bị đo độ ẩm | – Phạm vi đo: phù hợp với phạm vi làm việc của thiết bị – Độ chính xác 1 % giá trị đọc. |
Thiết bị đo thời gian | – Giá trị độ chia d = 0,01 s |
Buồng thử nghiệm môi trường | – Có khả năng tạo và duy trì nhiệt độ trong phạm vi (0 °C đến 55 °C) với độ ổn định ± 2 °C. – Có khả năng tạo và duy trì độ ẩm trong phạm vi: (19 % RH đến 95 %RH) với độ ổn định ± 3 % RH. |
Bộ biến đổi điện áp nguồn | – Có khả năng thay đổi điện áp từ 85 % đến 110 % giá trị danh định điện áp nguồn của ĐHK. |
Thiết bị thử nghiệm giảm nguồn | – Có khả năng giảm biên độ của một nửa chu kỳ hay nhiều hơn (tại giao điểm “không”) của nguồn nuôi AC. |
Thiết bị thử nghiệm nổ điện | – Có điện trở đầu ra 50 Ω. – Có khả năng tạo các nổ điện, mà mỗi xung của nó có giá trị đỉnh 1 kV, và thời gian tăng 5 ns, khoảng thời gian nổ 15 ms và chu kỳ nổ (khoảng thời gian lặp lại) là 300 ms, tại điện áp nguồn AC. |
Thiết bị thử nghiệm phóng tĩnh điện | – Có tụ điện 150 pF. – Có khả năng nạp đến 8 kV điện áp DC và sau đó phóng qua EUT, hoặc hai tấm thẳng đứng hay nằm ngang (VCP hay DCP) một đầu nối với đất (mặt phẳng đất chuẩn) và đầu kia nối với điện trở 330 Ω đính vào bề mặt của EUT, hay VCP hay HCP. |
Máy phát tín hiệu điện từ | – Có khả năng phát 80 % AM 1 kHz sóng sin với phạm vi tần số từ 26MHz đến 1000 MHz. |
Buồng điện từ nằm ngang (buồng TEM) hoặc phòng hấp thụ | – Có khả năng khuyếch đại công suất tín hiệu AM tới 1000 MHz. – Có hệ thống ăng ten có khả năng thoả mãn tần số yêu cầu. – Có hệ thống hiển thị cường độ của từ trường. – Được bảo vệ chống bức xạ điện từ. |
Phương tiện phụ | |
Đồ gá, giá đỡ, nguồn khí | Nguồn khí: – Đảm bảo được cung cấp liên tục ít nhất trong một chu trình thử nghiệm – Phải có hệ thống điều áp tại phía đầu ra của nguồn khí và/ hoặc tại ngay phía trước đầu vào đồng hồ – Phải có thiết bị lọc để ngăn các vật lạ có kích thước lớn hơn 0,01 mm vào ĐHK và chuẩn. |
Điều kiện để tiến hành thực hiện thử nghiệm đồng hồ khí công nghiệp
Để có thể tiến hành thử nghiệm hiệu quả nhất cần phải đảm bảo các điều kiện sau đây:
Địa điểm thử nghiệm phải sạch sẽ, thoáng mát. Đảm bảo không có các chất ăn mòn hóa học, không có các nguồn gây biến đổi lớn về nhiệt độ môi trường và nhiệt độ chất thử nghiệm. Ngoài ra, nơi thử nghiệm không xảy ra rung động trong quá trình thử nghiệm.
Điều kiện môi trường
– Nhiệt độ môi trường được xác định bằng trung bình các nhiệt độ sau:
+ Nhiệt độ môi trường khu vực đặt chuẩn
+ Nhiệt độ không khí tại đầu vào hệ thống thử nghiệm
+ Nhiệt độ môi trường gần ĐHK được thử nghiệm
– Điều kiện không khí tại nơi thử nghiệm phải ổn định và thỏa mãn:
+ Nhiệt độ môi trường trung bình không biến đổi vượt quá 4 °C trong suốt thời gian thực hiện phép đo. Đồng thời, 2 °C trong mỗi giờ
+ Sự khác nhau giữa 2 nhiệt độ bất kỳ không được vượt quá 2 °C.
– Nếu thực hiện tại phòng thử nghiệm, nhiệt độ môi trường phải được duy trì (20 ± 2) °C trong suốt quá trình thử nghiệm.
– Nếu thực hiện tại hiện trường nhiệt độ môi trường phải được duy trì không thay đổi quá ± 1 °C trong suốt quá trình thực hiện một phép đo.
– Nếu các yêu cầu sau được thoả mãn thì các ĐHK được tiến hành thử nghiệm mà không cần xem xét sự chênh lệch nhiệt độ giữa ĐHK chuẩn và ĐHK thử nghiệm:
+ Không khí được sử dụng để thử nghiệm có điều kiện tương tự với môi trường
+ Nhiệt độ môi trường trung bình không biến đổi vượt quá 2 C trong 12 giờ và không vượt quá 0,5 °C trong mỗi giờ
+ Khoảng khác nhau giữa hai nhiệt độ bất kỳ không được vượt quá 0,5 °C. Trong mọi trường hợp khác số hiệu chuẩn do sự khác nhau về nhiệt độ phải được hiệu chỉnh quy đổi cùng điều kiện tiêu chuẩn.
+ Áp suất môi trường tại nơi thử nghiệm: (86 ¸ 106) kPa
+ Độ ẩm tương đối tại nơi thử nghiệm: ≤ 93 %RH. Trong quá trình đo, nhiệt độ, áp suất môi trường, độ ẩm tương đối tại nơi thử nghiệm phải được kiểm tra ít nhất một lần mỗi ngày.
Điều kiện lắp đặt và lỗ đo áp
– Đảm bảo các đầu nối, ống dẫn khí trong hệ thống thử nghiệm phải kín hoàn toàn.
– Đảm bảo phía trước và phía sau ĐHK phải có đoạn ống thẳng có cùng đường kính danh định với lối vào của ĐHK và chiều dài của chúng theo quy định của nhà sản xuất (nếu có) hoặc không nhỏ hơn 40 D (đối với đoạn phía trước) và 20 D đối với đoạn phía sau.
– Trên các đoạn ống thẳng phía trước và sau đồng hồ phải có lỗ đo áp. Lỗ đo áp phải tuân theo tài liệu hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc theo các yêu cầu sau:
+ Khoảng cách từ lỗ đo áp đến mặt ghép đầu tiên của đồng hồ bằng giá trị đường kính danh định của đồng hồ.
+ Lỗ đo áp phải vuông góc với trục ống. Chúng có đường kính tối thiểu là 3 mm. Các lỗ đo áp không được tác động đến dòng khí. Mặt trong thành ống gần lỗ lấy áp phải nhẵn và không có gờ, ráp.
Điều kiện về chất khí thử nghiệm
– Chất khí sử dụng để thử nghiệm ĐHK là không khí
– Chất khí sử dụng để thử nghiệm ĐHK là chất khí làm việc
– Chất khí sử dụng để thử nghiệm ĐHK phải được làm sạch. Sau đó tách ẩm trước khi đưa vào hệ thống thử nghiệm. Độ ẩm khí sử dụng nhỏ hơn 40 %RH.
Quá trình chuẩn bị trước khi tiến hành thử nghiệm đồng hồ khí công nghiệp
Để quá trình thử nghiệm diễn ra một cách hiệu quả, cần phải thực hiện các công việc chuẩn bị dưới đây:
– Lắp đặt ĐHK vào hệ thống thử nghiệm theo đúng hướng dẫn lắp đặt của nhà sản xuất. Đảm bảo ĐHK được lắp đồng trục với đường ống.
– Sử dụng hệ thống van điều áp đưa áp suất của hệ thống phù hợp với áp suất làm việc của ĐHK.
– Sử dụng các van điều chỉnh lưu lượng của hệ thống đến điểm lưu lượng cần thử nghiệm.
– Vận hành hệ thống thử nghiệm ở lưu lượng lớn nhất cho phép trong thời gian thích hợp. Để đảm bảo cân bằng nhiệt độ trong hệ thống
Tiến hành thực hiện thử nghiệm các đồng hồ khí công nghiệp
Kiểm tra bên ngoài
Để có thể kiểm tra các thiết bị hiệu chuẩn bằng mắt thường, bạn sẽ cần phải chú ý kỹ các thông tin sau:
– Mỗi ĐHK đo khí sẽ mang một nhóm các nhãn sau trên mặt ĐHK hoặc trên mặt dự liệu đặc biệt.
+ Nhãn hiệu hoặc tên thương mại của nhà sản xuất
+ Số chế tạo và năm sản xuất của ĐHK đo khí
+ Lưu lượng lớn nhất: Qmax =… m3/h
+ Lưu lượng nhỏ nhất: Qmin =… m3/h (hoặc dm3 /h)
+ Áp suất làm việc lớn nhất: pmax =… MPa (hoặc kPa, Pa, bar, mbar);
+ Đối với các ĐHK đo khí kiểu thể tích, giá trị danh định của thể tích chu kỳ: V =… m3 (hoặc dm3 )
+ Phạm vi điều kiện đo mà ĐHK đo khí cần để làm việc trong phạm vi sai số cho phép lớn nhất danh định được biểu diễn như sau: tm =…_… °C; pm =…_… MPa (hoặc kPa, Pa, bar, mbar).
+ Nếu cần thiết, nhãn hiệu thương mại của ĐHK đo khí, số serial đặc biệt, tên nhà phân phối khí, tên nhà sửa chữa và năm sửa chữa.
– Nếu ĐHK được lắp đặt theo nhiều hướng dòng chảy khác nhau. Phải tiến hành kiểm tra sai số của ĐHK theo 3 định dạng sau:
+ ĐHK nằm ngang
+ ĐHK nằm đứng với dòng chảy hướng lên trên
+ ĐHK nằm đứng với dòng chảy hướng xuống dưới
Kiểm tra kỹ thuật
Đối với quá trình kiểm tra kỹ thuật sẽ phải tiến hành theo các yêu cầu dưới đây:
Kiểm tra cơ cấu chỉ thị
Cơ cấu chỉ thị của ĐHK được kiểm tra bằng mắt thường phải đảm bảo các yêu cầu sau đây:
– Điểm “0”: số chỉ thị tổng của ĐHK phải không thay đổi khi lưu lượng bằng không.
– Các số chỉ thị phải rõ ràng và dễ quan sát. Việc chỉ thị phải liên tục trong suốt thời gian của phép đo.
– Đơn vị của chỉ thị thể tích là lít (L) hoặc mét khối ( m3 ). Đơn vị của chỉ thị khối lượng là kilôgam (kg) hoặc tấn (t). Ký hiệu hay tên của đơn vị phải được xuất hiện rõ ràng ngay cạnh số chỉ thị.
– Giá trị độ chia của số chỉ phải có dạng 1×10n ; 2×10n ; 5×10n với n là số nguyên.
Kiểm tra cơ cấu xóa số
Việc kiểm tra cơ cấu xóa số của ĐHK được thực hiện theo trình tự sau:
– Tiến hành động tác xóa số
– Quan sát cơ cấu chỉ thị. Với bộ chỉ thị cơ khí, yêu cầu độ lệch giá trị “0” không lớn hơn 1/5 khoảng chia độ thử nghiệm đối với cơ cấu chỉ thị liên tục. Hoặc 1 giá trị độ chia đối với cơ cấu chỉ thị không liên tục. Với bộ chỉ thị điện tử yêu cầu tất cả các số chỉ thể tích tức thời phải hiển thị giá trị “0”.
Kiểm tra cơ cấu hiệu chỉnh
Cơ cấu hiệu chỉnh của ĐHK phải đảm bảo các yêu cầu sau đây:
– Cơ cấu hiệu chỉnh ĐHK phải cho phép thay đổi tỷ số giữa lượng khí được hiển thị. Lượng khí chảy qua ĐHK bằng một lệnh hoặc thao tác đơn giản.
– Khi cơ cấu hiệu chỉnh thay đổi tỷ số theo cách không liên tục. Giá trị mỗi bước chỉnh không quá 0,1 % với ĐHK cấp 0,5 và cấp 1, không quá 0,2 % với ĐHK cấp lớn hơn 1.
– ĐHK không được có các cơ cấu cho phép hiệu chỉnh sai số bằng nhánh phụ cho chất khí đi vòng qua ĐHK.
– Cơ cấu hiệu chỉnh phải có chỗ để niêm phong.
Kiểm tra bổ sung cho ĐHK điện tử
Phải có vị trí niêm phong, kẹp chì để ngăn ngừa việc tự ý tháo lắp, chỉnh sửa, thay đổi đối với các bộ phận sau:
– Bộ phận tạo xung và cơ cấu truyền động nối buồng đong với bộ phận tạo xung.
– Đường truyền tín hiệu từ bộ phận tạo xung tới bộ phận chỉ thị và điều khiển điện tử (CPU).
– IC chương trình.
– Các bộ phận, bo mạch có thể tác động hoặc gắn thêm linh kiện nhằm làm thay đổi hoạt động của ĐHK.
– Tín hiệu điện áp của ĐHK và thiết bị chuẩn phải tương thích nếu ĐHK cho tín hiệu đầu ra ở dạng xung.
Kiểm tra độ kín của hệ thống
– Kiểm tra độ kín bằng cách kiểm tra áp suất
Bước 1: Đóng hoàn toàn van đầu ra của ĐHK.
Bước 2: Nạp khí vào hệ thống thử nghiệm cho tới khi áp suất tại đầu vào của ĐHK bằng với áp suất làm việc lớn nhất của ĐHK thì đóng hoàn toàn van đầu vào của ĐHK lại.
Bước 3: Sau khoảng thời gian chờ cho chất khí ổn định. Quan sát số chỉ áp suất tại ĐHK tối thiểu trong 5 phút. Nếu áp suất được không đổi quá 0,05 % thì hệ thống đạt về kiểm tra độ kín. Với điều kiện nhiệt độ không thay đổi quá 1 K.
– Kiểm tra độ kín bằng cách kiểm tra lưu lượng rò rỉ
Bước 1: Đóng hoàn toàn van đầu ra của ĐHK.
Bước 2: Nạp khí vào hệ thống thử nghiệm cho tới khi áp suất tại đầu vào của ĐHK bằng áp xuất làm việc lớn nhất của ĐHK thì đóng hoàn toàn van đầu vào của ĐHK.
Bước 3: Ghi lại giá trị nhiệt độ Tr1 (K) và áp suất Pr1 (kPa) tại ĐHK vào biên bản thử nghiệm trong phụ lục D.
Bước 4: Sau tối thiểu 30 phút ghi lại giá trị nhiệt độ Tr 2 (K) và áp suất Pr 2 (kPa) tại ĐHK vào biên bản thử nghiệm trong phụ lục D.
Bước 5: Tính lưu lượng rò rỉ
Kiểm tra đo lường
Đồng hồ khí công nghiệp được kiểm tra đo lường dựa vào phương pháp, nội dung và các yêu cầu sau đây:
Kiểm tra sai số
Phép kiểm tra sai số được tiến hành bằng cách so sánh số chỉ thể tích tại điều kiện tiêu chuẩn (hoặc khối lượng) khí trên ĐHK với số chỉ thể tích (hoặc khối lượng) khí trên chuẩn.
– Trình tự kiểm tra sai số được thực hiện như sau:
Bước 1: Xác định thứ tự các điểm lưu lượng cần thử nghiệm.
Bước 2: Xác định thể tích (khối lượng) cần thử nghiệm phù hợp.
Bước 3: Khởi động hệ thống thử nghiệm và dùng van điều chỉnh lưu lượng. Để đưa lưu lượng về điểm lưu lượng cần thử nghiệm. Sau đó đóng van chặn phía trước ĐHK và thiết bị chuẩn.
Bước 4: Xóa số chỉ thị (nếu có thể) của ĐHK và trên thiết bị chuẩn hoặc lần lượt ghi lại các giá trị đọc ban đầu của ĐHK và chuẩn vào biên bản.
Bước 5: Mở van chặn cho chất khí chảy qua ĐHK và thiết bị chuẩn cho tới khi đủ thể tích đặt trước tại bước 2. Đọc và ghi lại giá trị nhiệt độ và áp suất tại ĐHK Tdh,i (K), Pdh,i (kPa). Trong thời gian diễn ra phép đo,các giá trị trên được đọc ít nhất 3 lần cách đều nhau tại mỗi phép đo. Giá trị sử dụng để tính toán là giá trị trung bình các lần đọc. Đóng van chặn phía trước ĐHK và thiết bị chuẩn.
Bước 6: Lần lượt ghi lại các giá trị thể tích khí chảy qua đồng hồ Vdh,i ( m3) hoặc khối lượng khí chảy qua đồng hồ mdh,i (kg) của ĐHK và thể tích khí chảy qua chuẩn Vch,i ( m3) hoặc khối lượng khí chảy qua chuẩn mch,i (kg) vào biên bản thử nghiệm
Bước 7: Lặp lại bước 5 và bước 6.
Bước 8: Đưa lưu lượng của hệ thống thử nghiệm về lưu lượng cần thử nghiệm tiếp theo. Lặp lại qui trình từ bước 2 đến bước 6 cho đến hết các điểm lưu lượng cần thử nghiệm đã xác định ở bước 1.
Kiểm tra độ bền
– Việc thực hiện thử nghiệm bền được tiến hành theo các bước sau:
Bước 1: Cho ĐHK vận hành tại lưu lượng từ 0,8 Qmax đến Qmax trong thời gian không nhỏ hơn 2000 giờ. Số lượng mẫu thử nghiệm theo yêu cầu trong mục 7.3.3.
Bước 2: Kiểm tra lại sai số của ĐHK
Bước 3: Xác định độ sai lệch của sai số tương đối trước và sau thử nghiệm độ bền.
– Nếu thử nghiệm độ bền được thực hiện ngoài phòng thí nghiệm của cơ quan có thử nghiệm, ĐHK phải được niêm phong toàn bộ.
– Phải biết rõ thành phần chính của khí được đo trong thử nghiệm độ bền.
– Điều kiện môi trường không quá thay đổi so với điều kiện hoạt động bình thường của ĐHK.
– Việc thực hiện thử nghiệm độ bền được tiến hành theo các tiêu chí sau:
Số lượng ĐHK thử nghiệm độ bền tuân theo yêu cầu bảng dưới đây:
Lưu lượng hoạt động lớn nhất (m3 /h) | Số lượng ĐHK phải thử nghiệm |
Qmax < 25 25 < Qmax < 100 Qmax > 100 | 3 2 1 |
– Xác định sai số sau kiểm tra độ bền
– Phép kiểm tra sai số phải được tiến hành không quá 48 giờ sau khi kết thúc kiểm tra độ bền.
+ Sai số của ĐHK tại mỗi phép đo không được vượt quá sai số lớn nhất cho phép của ĐHK.
+ Hiệu giữa 2 giá trị trung bình của các sai số tại mỗi điểm lưu lượng từ Qt đến Qmax lúc trước và sau khi thử độ bền không được vượt quá: mpe, nếu đồng hồ có cấp chính xác 1,5 và + ½ mpe nếu đồng hồ cấp chính xác khác
Các phép thử bổ sung cho các loại ĐHK
Tùy theo mỗi loại ĐHK khác nhau phải thực hiện thêm các phép thử ghi trong bảng dưới đây:
Tên phép thử nghiệm | Kiểu ĐHK | ||||||
Màng | Piston quay | Turbine | Siêu âm | Coriolis | Nhiệt lƣợng khối lượng | Vortex | |
Kiểm tra độ định hướng | x | x | x | ||||
Kiểm tra dòng chảy trực tiếp | x | x | x | x | |||
Kiểm tra áp suất làm việc | x | x | x | x | |||
Kiểm tra nhiệt độ làm việc | x | x | x | x | x | x | x |
Kiểm tra phân bố dòng chảy | x | x | x | x | x | ||
Kiểm tra trục dẫn hướng | x | x | x | x | x | ||
Kiểm tra quá lưu lượng | x | x | x | ||||
Kiểm tra rung và shock | x | x | x | x | x | x | x |
Xử lý kết quả
– Kết quả thử nghiệm của từng phép thử nghiệm được ghi vào biên bản thử nghiệm theo mẫu quy định
– ĐHK sau khi thử nghiệm được cấp giấy chứng nhận kết quả đo/thử nghiệm. Trong giấy chứng nhận phải nêu rõ các chỉ tiêu đạt/không đạt.
Lời kết
Quá trình thử nghiệm đồng hồ khí công nghiệp định kỳ là vô cùng cần thiết. Công ty cổ phần hiệu chuẩn ISOCAL có kinh nghiệm trong lĩnh vực hiệu chuẩn. Với đội ngũ kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm và phòng lab hiện đại, chúng tôi sẽ cố gắng hết mình để khiến quý khách hàng hài lòng. Hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn kỹ hơn về dịch vụ hiệu chuẩn.
Xem thêm: Thử nghiệm cân kiểm tra tải trọng xe như thế nào?